Sự thiếu nhất quán trong phiên âm Hán – Việt Phiên âm Hán-Việt

Bên cạnh các trường hợp một chữ Hán có 1 âm Quan thoại nhưng có thể có 2 âm Hán – Việt khác nhau được ghi chú trong cùng một từ/tự điển, còn có nhiều trường hợp mỗi sách ghi một âm Hán – Việt khác nhau.

Bản thân chữ bính, trong thuật ngữ "bính âm", xuất xứ từ một số sách cũ ở miền Nam Việt Nam, trong khi nhiều từ/tự điển hiện nay chỉ phiên là phanh, và cũng có một số người dùng phanh âm.

Ung Châu (雍州), một trong chín châu của Trung Quốc thời cổ (vùng Thiểm Tây 陝西, Cam Túc 甘肅, Thanh Hải 青海 ngày nay), có chữ đầu đều được phiên là Ung trong hầu hết các từ/tự điển Hán – Việt và các sách truyện như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc, chỉ riêng tự điển Thiều Chửu phiên là Úng. Chữ Ung này cũng nằm trong niên hiệu Ung Chính 雍正 của vua Thanh Thế Tông.

Trong cuốn Chuyện Đông chuyện Tây, Nhà xuất bản Trẻ, An Chi Võ Thiện Hoa đã so sánh một số trường hợp phiên âm không thống nhất giữa 2 quyển Hán – Việt tự điển của Thiều Chửu và Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh (câu 438, trang 140 – 145, tập 3) như:

  • chữ 膾 (bính âm: kuài), là khoái theo Đào Duy Anh và quái theo Thiều Chửu. Theo An Chi, khoái là âm Hán – Việt thông dụng, còn quái là âm Hán – Việt chính thống, phản ánh cách phát âm đời nhà Đường.
  • chữ 炙 (bính âm: zhì), là chá theo Đào Duy Anh và chích theo Thiều Chửu. Trong từ điển của Trung Quốc có cả hai âm này.
  • chữ 僣 (bính âm: tiĕ), là tiếm theo Đào Duy Anh và thiết theo Thiều Chửu. Âm thiết là đúng, còn âm tiếm dành cho chữ 僭 (jiàn, zèn) cũng gần giống mà từ điển của Đào Duy Anh không có chữ này. Người ta vẫn có thói quen lấy chữ 僣 thay cho chữ 僭 nhưng làm như thế là không chuẩn.

Nhân vật họ Mã trong Tam quốc làm thất thủ Nhai Đình, lỡ kế hoạch của Gia Cát Lượng có tên là 马/馬謖 (bính âm: Mǎ Sù), được phiên khi thì là Mã Tốc, khi thì là Mã Tắc, thậm chí có khi là Mã Thốc, còn theo An Chi thì phải đọc là Mã Sốc theo đúng âm Hán – Việt chính thống xuất xứ từ đời Đường.

Tương tự như vậy, nhân vật Chu Du (周瑜, Zhōu Yú) quen thuộc có lúc lại biến thành Châu Do (âm Do không đúng nhưng âm Châu lại sát âm gốc hơn) chỉ vì cách phiên âm Hán – Việt khác nhau.

Hai viên tướng Trung Quốc thời cổ thường được nhắc đến trong sử sách Việt Nam dưới tên gọi Đồ Thư (屠睢) và Nhâm Ngao (壬嚣), nếu theo phiên âm hiện đại thì phải là Đồ TuyNhậm/Nhiệm/Nhâm Hiêu (任嚣). Ở đây họ 壬 (Nhâm – Rén) thời xưa đã được viết thành 任 có hai âm Nhâm – Rén và Nhậm/Nhiệm – Rèn.